Bối cảnh và chiến lược của Thục Chiến_tranh_Thục-Ngụy_(228-234)

Hình thế theo kế hoạch Long trung đối sách

Sau khi Trung Quốc thực tế được hình thành thế chân vạc gồm ba nước (Thục Hán ở phía Tây, Tào Ngụy ở phía Bắc, Đông Ngô ở phía Đông Nam) theo Long Trung đối sách của Gia Cát Lượng. Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng phụ chính kiên trì thực hiện chính sách Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo.

Sau chiến dịch Nam Chinh và ổn định được khu vực Tây Nam biên giới nước Thục, Gia Cát Lượng bắt đầu nghĩ đến kế hoạch Bắc phạt Tào Ngụy, hoàn thành sứ mệnh thống nhất đất nước của Trung Quốc. Năm 226, Ngụy Văn Đế Tào Phi bệnh chết. Gia Cát Lượng nhận định rằng đây là cơ hội tốt nhất để tiến hành Bắc phạt.

Mặt khác, quân Thục qua nhiều năm được Gia Cát Lượng huấn luyện đã trở thành một đạo quân hùng mạnh, dũng mãnh, hiệu lệnh rất nghiêm minh. Sau một thời gian chuẩn bị, căn cứ vào tình hình, Gia Cát Lượng quyết định tấn công Bắc Ngụy, tiêu diệt họ Tào, giành lại giang san cho nhà Hán. Ông trình tấu lên Hậu chủ Lưu Thiện xuất sư biểu và phân tích tình hình đề nghị tiến quân. Nội dung nói rằng: "Nay phương Nam đã bình định, binh giáp đã đầy đủ đáng khích lệ ba quân; nay bắc định Trung Nguyên, thần xin đem hết lòng khuyển mã, trừ sạch gian ác phục hưng triều Hán về lại cố đô, như vậy là thần báo đáp được tiên đế, mà trúng với chức phận dưới bệ rồng vậy".[2]

Thục Hán hậu chủ Lưu Thiện chấp thuận, giáng chiếu: "Gia Cát thừa tướng cương nghị trung trinh, dốc lòng vì nước, (vì thế) Tiên đế trao việc thiên hạ, phù trợ quả nhân. Nay ban cho mao việt, cùng với phó thác trọng quyền, thống lĩnh bộ kỵ hai mươi vạn binh, nắm giữ nguyên nhung, thay trời tru phạt, trừ hoạn dẹp loạn, chiếm lại kinh đô, chính là dịp này"[3]

Khi Bắc phạt, Gia Cát Lượng cũng đã có lưu ý về vấn đề hậu phương, ông đã lưu tổng quản của phủ Thừa tướng, trưng cầu ý kiến quan thái thú quân Độc là Dương Hồng. Sau khi biết Trương Duệ "không đảm đương nổi", Gia Cát Lượng cử hai người là Trương Duệ và Tưởng Uyển cùng quản lý công việc ở hậu phương, đạt hiệu quả "đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực và quân số".[4] Sau khi điểm binh, chọn tướng, Gia Cát Lượng quyết định dẫn toàn quân tập trung về phía bắc của Hán Trung để tiến binh sang Kỳ Sơn, trực chỉ Trường An. Ngụy Diên hiến kế dẫn một đội kỵ binh từ Hán Trung vòng sang hang Tý Ngọ để lẻn đến tập kích Trường An nhưng Gia Cát Lượng không đồng tình.